Nên dừng lỗ an toàn bao nhiêu % tài khoản cho một lệnh giao dịch?

nen-dung-lo-an-toan-bao-nhieu-cho-1-lenh-giao-dich
Nên dừng lỗ an toàn bao nhiêu % cho một lệnh giao dịch?

Dừng lỗ là một phần không thể thiếu, là một yếu tố sống còn trong trading và đầu tư nếu như bạn muốn bảo vệ tài khoản đầu tư của bạn và tồn tại với thị trường tài chính.

Thông thường một người mới sẽ khá bâng khuâng cho việc một lệnh dừng lỗ an toàn sẽ là bao nhiêu % tài khoản và quản trị các lệnh dừng lỗ như thế nào?

Tôi biết rằng bạn cũng đã đọc rất nhiều thông tin ở các các cuốn sách hướng dẫn về đầu tư, cũng như được tham khảo ý kiến của rất nhiều người về vấn đề này nhưng vẫn còn rất mơ hồ.

Trong bài chia sẻ này, tôi sẽ giúp bạn biết được cách mà bạn cài đặt % stoploss phù hợp với khả năng chịu đựng của chính bạn và phù hợp với tài khoản của bạn.

1. Bạn phải biết được năng lực tài chính của chính mình

Mỗi người trong chúng ta đều có những năng lực quản lý tài chính khác nhau, và đó là lý do chúng ta có phải có khoản dừng lỗ cũng khác nhau.

Cùng 1 tài khoản 10.000$ và nếu bạn nói rằng nên Stoploss là 1% tài khoản cho một lệnh giao dịch thì sẽ là 100$. Nhưng tôi biết rằng có một số bạn chỉ cần mất khoảng 50$ là họ cảm thấy rất khó chịu rồi. Lúc này hành động của họ run rẩy, tâm trạng bất an và không cảm thấy thoải mái khi mất số tiền đó.

Nhưng cũng có một số bạn thì stoploss 100$ thì không vấn đề gì với họ cả, thậm chí là mỗi lệnh cắt lỗ của họ có thể lớn hơn vài trăm $ đến vài ngàn $.

Vậy ở đây, cũng với số tiền 100$ đó nhưng năng lực quản lý tài chính của mỗi bạn khác nhau thì diễn biến tâm lý của họ sẽ khác nhau.

Thế nên bạn cần phải thực sự hiểu năng lực quản lý tài chính của mình phù hợp với số tiền là bao nhiêu. Và từ đó sẽ kết hợp thêm với số tiền trong tài khoản của các bạn để thiết lập % dựng lỗ an toàn cho phù hợp.

2. Nên dừng lỗ theo % tài khoản hay là số $ cho một lệnh giao dịch?

Ở phần đầu tiên tôi có chia sẽ cho các bạn về việc năng lực quản lý tài chính cá nhân của mỗi người là khác nhau, thế nên bạn không nên cứng nhắc thiết lập % cắt lỗ cho một lệnh giao dịch là 1% hay 2% tài khoản.

Lời khuyên của tôi là tuỳ theo năng lực quản lý tài chính của các bạn mà các bạn hãy thiết lập dựa trên số $ dừng lỗ cho một lệnh giao dịch thì sẽ phù hợp hơn.

Câu hỏi đặt ra là làm sao bạn biết được số $ dừng lỗ cho một lệnh giao dịch như thế nào là phù hợp với năng lực quản lý tài chính của bạn?

Câu trả lời: Nó là số tiền mà khi mất đi các bạn cảm thấy thoải mái và bình an. Tức là với số tiền đó khi chạm Stoploss không làm bạn run rẩy hay bất an, mà đó là một sự chấp nhận trả giá cho một lệnh sai và bạn cảm thấy thoải mái.

Chỉ có như vậy bạn mới không bị cảm xúc chi phối. Nếu số tiền cắt lỗ làm bạn không thoải mái, hãy điều chỉnh số tiền nhỏ lại cho đến khi bạn thực sự thấy thoải mái nhất.

Cách của tôi cũng quản lý Stoploss cho một lệnh giao dịch trước đây thì bằng % tài khoản và tôi thực sự cảm thấy khó kiểm soát. Vì có thời điểm tài khoản của tôi vốn tăng dần lên đồng nghĩa với việc 1% tài khoản cũng là số tiền lớn.

Thế nên sau này tôi quản lý theo số $ thì cảm thấy rất nhẹ nhàng, và tôi khuyên bạn nên quản lý Stoploss cho một lệnh giao dịch theo số $. Như vậy bạn sẽ dễ dàng để quản trị hơn và dễ dàng tính toán.

3. Phải biết kết hợp Stoploss thật hài hoà giữa số $ và % tài khoản.

Bạn phải lưu ý điều này rất quan trọng, bạn phải kết hợp cả 2 giữa số $ và % tài khoản. Bạn phải cân đối hợp lý để đảm bảo an toàn cho tài khoản.

Ví dụ:

Tài khoản của bạn là 10.000$ nhưng năng lực chịu đựng rủi ro của bạn thì hơn 1.000$, bạn không thể quản lý rủi ro 1.000$ cho một lệnh giao dịch được.

Nếu bạn quản lý như vậy thì tài khoản của bạn sẽ rơi vào ngưỡng rủi ro và nếu bị thua một lệnh dính Stoploss, bạn mất 10% tài khoản thì không an toàn.

Nếu rơi vào trường hợp ba lệnh thua liên tiếp, tài khoản của bạn mất 30% thì rơi vào tình trạng rủi ro rất cao.

Thế nên, lời khuyên của tôi là bạn phải biết kết hợp cả hai giữa % tài khoản và số $ sao cho hợp lý.

Tốt nhất bạn sẽ khống chế ở 2 biến số là: Số $ dừng lỗ phải là ngưỡng thoải mái và chỉ nên dưới 2% tài khoản của bạn. 2% cũng là ngưỡng không an toàn, hãy nên khống chế Stoploss của bạn khoảng 1% là ổn.

Tức là bạn chỉ chấp nhận rủi ro một lệnh ở mức max là 1%. Thì khi này tài khoản của bạn sẽ rất an toàn trong trường hợp bạn thua nhiều lệnh liên tiếp.

Còn những bạn mà khả năng quản lý tài chình không thực sự tốt thì hãy nên quản lý theo số $. Ví dụ vốn của bạn là 10.000$ nhưng bạn chỉ chịu đựng rủi ro cho một lệnh giao dịch là 20$ thì hãy cứ sẽ tự là 20$ (chỉ 0.2% tài khoản).

Thế nên, khi xác định được điều này thì bạn cứ quản trị đúng với số tiền dừng lỗ, tôi tin rằng đây là cách tối ưu để các bạn dễ dàng quản lý số tiền dừng lỗ cho một lệnh giao dịch.

4. Kết lại

Nếu bạn là một người mới và kết quả giao dịch của bạn chưa tốt, tôi khuyên bạn hãy thật sự nghiêm túc quản lý số tiền dừng lỗ an toàn cho một lệnh giao dịch như ở trên.

Với cách làm đó, bạn sẽ không bị thua lỗ những lệnh lớn, bạn cũng không cảm thấy bất an khi vào một lệnh giao dịch, khi mà bạn không bị cảm xúc chi phối nữa thì tôi tin rằng kết quả giao dịch của bạn sẽ tốt dần lên và từ đó bạn sẽ tìm kiếm được lợi nhuận.

Khi bạn đã thực sự giỏi và tìm kiếm lợi nhuận bền vững rồi thì bạn sẽ biết cách tối ưu hơn nữa và có những tiêu chuẩn của riêng mình.

Chúc bạn một ngày mới giao dịch thật hiệu quả. 

Thân ái!

# KHÁM PHÁ CÁC HASHTAG HÀNG ĐẦU

Theo dõi và cập nhật tin tức Tuệ Trading thông qua các kênh truyền thông:

- Website Tuệ Trading

- Kênh Youtube Hiếu Nguyễn - Tuệ Trading